Kiểm tra sức khỏe tài chính là việc cần thiết để đánh giá tình hình tài chính hiện tại của bạn - liệu đang ổn định hay ở mức thiếu hụt cần bù đắp. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, “chẩn bệnh” sớm sẽ giúp bạn củng cố “lỗ hổng” tài chính. Cùng Jeff điểm qua 3 dấu hiệu phổ biến sau nhé!
Quỹ dự phòng hay quỹ khẩn cấp là khoản tiền tiết kiệm giúp bạn vượt qua các trường hợp khẩn cần nguồn lực tài chính. Đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua đã giúp nhiều người rút ra bài học cần thiết khi chuẩn bị quỹ dự phòng chắc chắn. Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ lại thiếu đi khoản này.
Quỹ dự phòng giúp bạn giải quyết vấn đề gấp hoặc phát sinh trong cuộc sống. Đó không chỉ là vấn đề sức khoẻ mà còn là những khoản chi tiêu ngoài dự tính, như chi trả vé máy bay bị trễ chuyến, hoặc hỗ trợ người thân đang cần tiền để thực hiện một cuộc phẫu thuật.
Khoản tiền trong quỹ này tương tự như bảo hiểm, hay tiền tiết kiệm nhưng linh hoạt hơn và có thể sử dụng ngay khi cần thiết. Việc có quỹ dự phòng giúp bạn hạn chế tối đa việc đi vay, hoặc các khoản phát sinh khó kiểm soát.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào các kế hoạch tài chính cũng luôn được suôn sẻ - nhất là khi thị trường tài chính hiện nay đang gặp nhiều biến động, cũng như việc chi tiêu phát sinh. Đây là lúc quỹ dự phòng phát huy tác dụng! Lấy ví dụ đơn giản, trong giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với Covid-19, giãn cách xã hội và cách ly gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người, thất nghiệp gia tăng, nhiều người mất việc hoặc phải cắt giảm lương. Nếu bạn có khoản dự phòng, bạn có thể cầm cự được trong một khoảng thời gian, trước khi thiết lập kế hoạch tài chính cụ thể.
Quy mô quỹ phụ thuộc vào lối sống, thu nhập và chi tiêu hàng tháng của từng cá nhân. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, quy mô quỹ lý tưởng ít nhất phải bằng tổng thu nhập của bạn từ 3 đến 6 tháng. Nếu bạn là người làm việc tự do, giá trị quỹ sẽ phải nhiều hơn để bổ sung cho một vài khoản thiếu hụt như trợ cấp thất nghiệp hoặc bảo hiểm.
Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá áp lực với việc chuẩn bị quỹ dự phòng là một khoản tiền lớn bằng thu nhập của mình từ 3 đến 6 tháng. Hãy bắt đầu với những khoản tiết kiệm nhỏ, sử dụng phương pháp quản lý chi tiêu và tiết kiệm phù hợp hàng tháng, trích một khoản nhỏ trong thu nhập của mình và để vào quỹ dự phòng. "Tích tiểu thành đại", dần dần, quỹ dự phòng của bạn sẽ trở nên dồi dào, sẵn sàng phục vụ cho mọi trường hợp cấp bách trong cuộc sống.
Vay nợ không phải lúc nào cũng xấu. Hiện nay, đa số người dân đều có một khoản vay/nợ để chi tiêu trong cuộc sống hoặc đầu tư. Tuy nhiên, nếu bạn không thể kiểm soát chúng, các khoản nợ này sẽ vượt tầm và thực sự trở thành cơn ác mộng.
Nợ như thế nào thì thành nợ xấu?
“Báo động đỏ” về khoản vay/nợ nếu bạn có một vài yếu tố dưới đây:
Bạn phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Hầu hết mọi người đều đã quen với khái niệm thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng cho phép bạn “quẹt thẻ” thoải mái vào tháng này mà số dư tài khoản chưa bị trừ tiền luôn. Số tiền chi tiêu sẽ được ngân hàng gửi đến bạn vào kỳ sao kê hàng tháng. Việc có tấm thẻ tín dụng, đặc biệt là thẻ hạng mức cao có xu hướng “kích cầu” chi tiêu. Nếu bạn không thanh toán đầy đủ số dư của mình đúng hạn, số tiền chưa thanh toán sẽ bắt đầu cộng dồn lãi suất, dẫn đến các hóa đơn của bạn tăng theo thời gian.
Bạn thường xuyên vay tiền
Nếu chỉ vay một lần thì chuyện đã không có gì đáng nói, phải không? Tuy nhiên, nếu bạn liên tục vay mượn tiền thì thực sự đáng báo động, nhất là khi khoảng cách giữa các lần vay mượn ngắn dần hoặc bạn cần nhiều thời gian hơn để trả lại số tiền đã vay.
Bạn dùng khoản vay để trả cho các khoản vay khác
Đây là vấn đề phổ biến đối với những người sử dụng khoản vay ngắn hạn. Các khoản vay này thường có mức lãi suất cao, nếu không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, người đi vay chắc chắn sẽ gặp vấn đề với việc chi trả.
Do đó, nhiều người đã phải đi vay mới để trả lại khoản vay cũ. Điều này vô tình tạo ra một chu kỳ tốn kém hơn theo cấp số nhân, và cứ tiếp tục cho đến khi bạn không còn khả năng “đuổi theo” các khoản thanh toán của mình.
Bạn thanh toán không đúng hạn
Nếu bạn không thể thanh toán đúng hạn, như hoá đơn, các khoản chi tiêu, đặc biệt là hoá đơn tín dụng, đó là dấu hiệu cho thấy bạn gặp rắc rối tài chính.
Bên cạnh đó, việc thanh toán hoá đơn không đúng hạn cũng ảnh hưởng đến điểm tín dụng cá nhân, dẫn đến việc hồ sơ vay của bạn khó được duyệt hơn với các công ty tài chính hoặc ngân hàng. Ngoài ra, việc trả chậm cũng khiến bạn hình thành thói quen hời hợt với việc quản lý tài chính.
Cách đơn giản nhất mà Jeff muốn gửi tới bạn, đó là bản thân bạn có ý thức hơn trong việc vay và trả nợ. Hãy nghiêm khắc với kế hoạch tài chính cá nhân, cụ thể, trước khi quyết định vay một khoản tiền, bạn cần đánh giá khả năng tài chính và năng lực trả nợ của mình ở mức nào, đồng thời lên kế hoạch cụ thể cho lộ trình thanh toán khoản vay, tránh gặp phải những biến cố hoặc rủi ro khó lường. Bên cạnh đó, bạn cũng nên có kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng khoản vay cũng như thời gian trả nợ số tiền vay, giúp cho việc thanh toán nợ được nhanh chóng. Trong trường hợp bất khả kháng, bạn không thể trả nợ theo đúng cam kết thì hãy sớm liên hệ với người cho vay hoặc công ty tài chính để trao đổi và tìm ra phương án trả nợ tối ưu nhất.
Mọi hình thức đầu tư đều có rủi ro. Hiện nay ở Việt Nam, không chỉ những chuyên gia tài chính hay kinh tế tham gia vào lĩnh vực này, những người dân hết sức bình thường cũng trở thành nhà đầu tư F0. Nếu chưa chuẩn bị cho mình kiến thức tài chính vững vàng, cũng như kỹ năng quản trị rủi ro những khoản đầu tư mang tính mạo hiểm có thể là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính cá nhân trong tương lai.
Đầu tiên, bạn cần trang bị kiến thức về thị trường cũng như các kỹ thuật phân tích thị trường. Hãy vạch ra mục tiêu của bản thân, đồng thời trau dồi và tích luỹ kiến thức từ những nguồn uy tín.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật đầu tư:
Theo dõi thị trường, nắm các chỉ số
Hiện nay, có rất nhiều nguồn tin chính thống đề cập đến chủ đề đầu tư. Hãy liên tục cập nhật thông tin và thị trường, nếu có những điểm bất thường, bạn hãy “thẳng tay” dừng những khoản đầu tư có diễn biến xấu.
Tìm cho mình đơn vị tư vấn chuyên nghiệp
Nếu là một nhà đầu tư F0, chưa quen với những hoạt động của thị trường, bạn có thể tìm đến một đơn vị môi giới về đầu tư chuyên nghiệp, có uy tín. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng trước những hội nhóm có xu hướng “lùa gà”.
Đầu tư nhiều danh mục
Bên cạnh việc đầu tư mạo hiểm, bạn có thể phân bổ tài chính tới các sản phẩm đầu tư khác an toàn và có tính ổn định hơn để giảm thiểu rủi ro. Ví dụ, trong đầu tư chứng khoán, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng một danh mục có từ 12 cổ phiếu trở lên có thể loại bỏ các loại rủi ro phi hệ thống. Tương tự, bạn cũng có thể tham khảo đầu tư trái phiếu hoặc chứng chỉ quỹ.
Đầu tư dài hạn
Đầu tư mạo hiểm cần một “tinh thần thép”, vì có thể bạn sẽ trải qua những thời điểm thị trường lên xuống bất thường. Bạn có thể cân nhắc đầu tư dài hạn vì đây cũng là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Tài chính khoẻ mạnh không chỉ giúp bạn yên tâm mà còn là động lực hình thành ý thức quản trị rủi ro. Hãy chuẩn bị kỹ càng cho tình huống xấu nhất, bạn có thể yên tâm rằng dù chuyện gì xảy ra, bạn sẽ kiểm soát được tình hình ở mức tốt nhất.