Lừa đảo tài chính, đặc biệt là lừa đảo qua mạng, là hình thức mạo danh các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính uy tín để trục lợi từ người tiêu dùng. Các hình thức có thể kể đến như vay tiền nóng - giải ngân nhanh thông qua mạng xã hội, cá nhân hoặc tổ chức không được Nhà nước cấp phép hoạt động.
Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh là có thể giải ngân nhanh, có thể là "bẫy" của các đối tượng lừa đảo.
Bên cạnh đó còn có các hình thức lừa đảo qua mạng, lợi dụng lòng tham hoặc sự nhẹ dạ cả tin của người dùng.
Hiện nay, có nhiều đối tượng kết bạn qua Facebook hoặc Zalo, giới thiệu là người nước ngoài để làm quen, kết bạn, hẹn hò. Đối tượng hứa hẹn gửi quà cho người nhận, thường là quà có giá trị lớn, sau đó bố trí các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện liên lạc với người nhận. Người nhận cần nộp các loại thuế hoặc phí để nhận quà, bằng cách chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng do đối tượng cung cấp, sau đó ngắt liên lạc hòng chiếm đoạt tiền.
Các đối tượng thường mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử, tuyển cộng tác viên chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác hoặc doanh số, theo các đơn hàng bất kỳ mà đối tượng gửi, với lời hứa trả lương và lợi nhuận cao từ 10% đến 30%.
Đối tượng hoạt động bằng cách tạo niềm tin khi thanh toán hoa hồng đầy đủ cho một số đơn hàng giá trị nhỏ. Sau đó, đối tượng yêu cầu người bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn, đồng thời đưa ra các lý do như người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, lỗi vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, dẫn đến bị khóa tài khoản. Lúc này, người bị hại phải chuyển thêm tiền để bảo lãnh hoặc xác minh tài khoản thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi.
Đối tượng đưa người bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết mình bị lừa.
Các hội nhóm "lùa gà" trên Zalo, Telegram hoặc Facebook đã không còn xa lạ. Đối tượng lúc này sẽ kêu gọi người dân bỏ tiền tham gia đầu tư, mua bán hoặc giao dịch các loại tiền ảo, tiền mã hoá (Bitcoin, Etherum, USDT) trên các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) hoặc sàn đầu tư ngoại hối, kèm theo nhiều lời hứa hẹn lợi nhuận lớn.
Sau khi huy động được khoản tiền đủ lớn, đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp làm mất giá trị của đồng tiền ảo, điều chỉnh kết quả giao dịch hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.
Đây là trường hợp các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Zalo hoặc Fanpage có giao diện giống các công ty hoặc tập đoàn, gửi tin nhắn thông báo khuyến mại hoặc trúng thưởng đến người dùng. Các chương trình khuyến mại hoặc trúng thưởng này thường có giá trị cao như xe máy điện thoại hoặc ô tô nhằm tạo niềm tin cho người dùng.
Sau đó, đối tượng sẽ gửi những trang web mạo danh để người dùng điền thông tin cá nhân, nhằm chiếm đoạt thông tin như tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng.
Hiện nay, Bộ Thông Tin và Truyền Thông cũng như Cục An Ninh Mạng, Bộ Công An gửi đến cho người dùng rất nhiều tin nhắn cảnh cáo lừa đảo tài chính. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể tự bảo vệ mình trước các thông tin không an toàn trên mạng.
Giữ thói quen kiểm tra thông tin thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng, đặc biệt là trên các trình duyệt, ví điện tử hoặc ứng dụng mua sắm thường xuyên để đảm bảo rằng thông tin của bạn luôn được theo dõi, cũng như tài khoản không chịu khoản phí nào.
Ngoài ra, bạn cũng không nên chia sẻ thông tin cá nhân, dữ liệu thẻ ngân hàng với bên thứ ba.
Một số ngân hàng yêu cầu người dùng thay đổi mật khẩu tài khoản nhằm bảo mật tốt hơn. Ngoài ra, tránh sử dụng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.
Khi mua sắm trực tuyến, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đang sử dụng kết nối internet an toàn và tránh sử dụng Wi-Fi công cộng. Ngoài ra, luôn kiểm tra địa chỉ liên kết và email của người gửi trước khi quyết định nhấp vào.
Không nên sử dụng wifi không xác định hoặc công cộng mà không có mật khẩu bảo vệ. Chỉ sử dụng kết nói an toàn, bảo mật cao.
Bạn cũng có thể sử dụng VPN để mã hoá các truy cập hoặc kiểm tra kết nối https và tên miền khi mở một trang web mới.
Hiện nay, có nhiều giải pháp bảo mật đáng tin cậy với công nghệ chống lừa đảo để chặn các cuộc tấn công bằng thư rác, bảo đảm an toàn cho người dùng.
Một phương pháp giúp bạn tránh khỏi lừa đảo tài chính trên mạng là xác nhận tất cả các giao dịch. Những chiêu trò như mạo danh ngân hàng gửi email cho người dùng, yêu cầu bạn cập nhật hoặc xác nhận thông tin tài khoản.
Trong trường hợp trên, bạn cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng để đảm bảo rằng thông tin tài khoản của mình không bị rơi vào tay đối tượng xấu. Ngoài ra, hãy lưu ý rằng các tổ chức như Cơ quan Thuế sẽ không bắt đầu liên hệ với bạn qua email hoặc mạng xã hội để yêu cầu thông tin cá nhân hoặc tài chính.
Bạn nên kiểm tra thông tin tín dụng của mình bằng cách truy cập vào CIC Online, từ đó đảm bảo tất cả thông tin cũng như tài khoản của bạn đều được cập nhật và chính xác. Hãy kiểm tra kỹ thông tin trang web trước khi truy cập, tránh vào các trang web giống như trang web chính thức.
Nếu bạn không sử dụng bảng sao kê ngân hàng cũ hoặc các thủ tục giấy tờ khác có thông tin cá nhân như số tài khoản, số CMND/CCCD hay hộ chiếu, bạn cần đảm bảo cắt nhỏ mọi thứ trước khi xử lý.
Nếu có nhu cầu vay vốn, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin từ các trang web chính thức của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính; dùng Jeff để so sánh, hoặc trực tiếp đến trụ sở hay chi nhánh của các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.
Tuyệt đối không nên chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện đáng ngờ, cũng như có các dấu hiệu lừa đảo.
Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn khả nghi, không rõ ràng, bạn cần liên hệ với Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngân hàng để kiểm tra, xác thực hoặc liên hệ với cơ quan Công An gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Hi vọng là qua bài viết này, bạn đã nắm được "bí kíp" phòng tránh lừa đảo tài chính qua mạng.