Hụi (họ) đã có ở miền Nam từ thế kỷ 19. Đây là hình thức tín dụng dân gian dựa hoàn toàn vào tín chấp, sự thân quen trong nhóm cộng đồng.
Việt Nam có lịch sử hình thành hệ thống ngân hàng, theo mô hình hiện đại như bây giờ, có thể nói là ngắn. Trong khi đó ở Tây Âu, nghề ngân hàng đã có rất lâu, bắt nguồn từ nghề đổi tiền và đúc tiền của các thợ vàng. Tới nửa đầu thế kỷ 15 ở các đô thị lớn, một số tổ chức kinh doanh tiền tệ mới xuất hiện với những nghiệp vụ đơn giản như đổi tiền, cất giữ hộ tiền và chủ yếu kiếm lời bằng cách cho vay nặng lãi.
Từ ngàn xưa, tại Việt Nam, người giàu chỉ biết chôn tiền vào ruộng hay bất động sản, còn dư thì đem cho vay nặng lãi. Người nghèo khi gặp đại sự như tậu trâu, làm nhà hay cưới gả thì đành dựa vào khoản vay này. Chính vì thế, ở các làng xã đã tồn tại một kiểu tín dụng dân gian gọi là chơi hụi (họ).
Chơi hụi (họ) đã từng là phong tục tại Việt Nam, là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Không phải ngẫu nhiên mà chơi hụi (họ) truyền thống được những người buôn bán nhỏ giữ gìn, nhờ thủ tục đơn giản, mà người Việt thường ngại các loại giấy tờ rườm rà hành chính. Thứ hai là vì những người tham gia hầu hết đều tử tế lương thiện, đặc biệt là những người chủ cầm cái hụi (họ). Nó không những làm tăng thu nhập kinh tế mà còn làm tăng thu nhập niềm tin. Có thể nói, chơi hụi (họ) kiểu truyền thống là một phong tục đẹp.
Tuy nhiên, chơi hụi (họ) ngày nay đã biến tướng thành một kiểu tín dụng dân gian đen. Những người tham gia vẫn có thể là đang buôn bán, nhưng hung hãn và liều lĩnh. Họ sẵn sàng giành nhau lấy bát hụi (họ) đầu tiên, bất chấp giá mua bị chịu lãi tới mức cắt cổ, sau đó đem bát hụi (họ) như vừa cướp được, đi đánh “quả” những chuyến hàng may rủi theo tinh thần “được ăn cả ngã về không”. Chưa kể, có những người trẻ sẵn sàng đem cái bát hụi (họ) vừa cướp nướng vào đỏ đen, lô đề, cờ bạc. Có người chơi hụi ngày, hụi tuần, tháng hoặc năm, hụi tiền, hụi đô-la, lâu lâu, báo chí lại rộ lên chuyện bể hụi lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng người ta vẫn cứ chơi và hụi dường như sẽ còn tồn tại.
Hụi cũng đã có thời gian "thất thế" là vào thập niên 80-90 của thế kỷ 20. Ðây là thời "hoàng kim" của các đường dây tín dụng với lãi suất cao chóng mặt lên đến 30%-40%. Tới khi hàng loạt đường dây này sập, người dân lúc ấy chao đảo, tạo nên cơn địa chấn tâm lý khủng khiếp đến nỗi Nhà nước phải can thiệp bằng nhiều biện pháp khẩn cấp để khắc phục hậu quả, kéo dài đến cả chục năm sau.
Ngày 27-11-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2006/NÐ-CP về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là hụi, họ), quy định về các hình thức hụi, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia chơi hụi. Nhà nước thừa nhận quyền lập hụi của người dân nhưng cấm các hình thức cho vay nặng lãi trá hình hoặc lạm dụng tín nhiệm để lừa đảo.
Nghị định xác định có hai loại hụi là có lãi và không có lãi. Với hình thức có lãi, khi tham gia hụi (họ), các thành viên phải tuân thủ quy tắc góp phần hụi và phải trả phần lãi hoặc hoa hồng cho các thành viên sau khi lĩnh (hốt) hụi. Mức lãi hoặc hoa hồng do nhóm hụi tự thỏa thuận, xác định. Trong trường hợp chủ hụi đã thu đủ các phần hụi nhưng không giao cho các thành viên hoặc các thành viên tham gia chưa góp đủ phần hụi, thì sau khi góp đủ, phải hoàn trả lại phần thiệt hại nếu có. Trong các trường hợp này, nếu không thỏa thuận được mức lãi hoặc thiệt hại thì sẽ áp dụng mức lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước công bố vào thời điểm đó. Các tranh chấp về hụi sẽ giải quyết bằng thương lượng, hòa giải. Nếu có yêu cầu thì các tranh chấp về hụi sẽ được tòa án giải quyết hoặc theo quy định của luật tố tụng dân sự.
Để đưa hoạt động của hình thức họ, hụi, biêu, phường về đúng mục đích của nó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP để quy định chi tiết về cách thức hoạt động, về các đối tượng nào được phép tổ chức họ, về các nguyên tắc của tổ chức họ, hụi.