Để tránh rủi ro, trước khi ký hợp đồng vay, bạn cần phải tìm hiểu về lãi suất, mức phí và phương thức trả nợ. Chỉ nên đăng ký bên vay uy tín, tránh gặp công ty "ma" hoặc tín dụng đen.
Ngay từ đầu trước khi đi vay bạn cần cân nhắc kỹ về vấn đề thu nhập cá nhân với khoản vay mong muốn xem khả năng trả nợ có cao không. Nếu không thì bạn nên cân nhắc, hoặc điều chỉnh khoản vay cho hợp lý, nếu không dù bạn chấp nhận trả nợ cao nhưng ngân hàng cũng không đồng ý vì rủi ro quá lớn.
Ví dụ, nếu như thu nhập chỉ 6 triệu đồng mà muốn vay 600 triệu để mua nhà thì chắc chắn là quá sức.
Các chuyên gia khuyên người vay nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn.
Mỗi hợp đồng vay sẽ có mức lãi suất, hạn mức và thời gian vay khác nhau. Người vay cần dành thời gian tìm hiểu để dự trù được phương án thanh toán phù hợp.
Mức lãi suất vay tuỳ thuộc vào chính sách của từng tổ chức tài chính. Thông tin này sẽ được ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính uy tín thoả thuận ngay từ đầu với khách hàng trước khi ký kết hợp đồng vay. Người vay cần lưu ý rằng thời gian đầu khi vay sẽ được hưởng mức ưu đãi riêng, và sau khi hết ưu đãi sẽ có lãi suất riêng.
Số tiền vay hay hạn mức vay của hợp đồng sẽ phụ thuộc nhu cầu của người vay và xét duyệt của bên vay. Với điểm tín dụng tốt, người vay ngân hàng có thể vay tín chấp đến vài trăm triệu. Vay thế chấp có tài sản thì hạn mức vay sẽ phụ thuộc vào giá trị của tài sản thế chấp và có thể lên đến cả chục tỷ.
Đối với vay ở các tổ chức tài chính, người vay có thể vay tới 10 triệu, nếu sở hữu lịch sử tín dụng tốt.
Thời gian vay ảnh hưởng đến số tiền thanh toán hàng tháng của người vay. Vì vậy, bận cần cân nhắc thời gian vay để chủ động tài chính, tránh tình trạng áp lực trả quá nhiều tiền do chọn thời hạn vay quá ngắn.
Người vay cần hết sức lưu ý các khoản phí như phí làm hồ sơ, phí phạt trả chậm, phí phạt trả trước thời hạn, tránh trường hợp bất ngờ khi nhận các chi phí phát sinh.
Trước khi "đặt bút" ký hợp đồng vay, bạn nên dành thời gian xem lại toàn bộ hợp đồng vay với các điều kiện vay thật kỹ. Nếu có bất cứ những thắc mắc, những nghi vấn vẫn chưa rõ ràng, bạn nên hỏi lại nhân viên tư vấn để được giải thích rõ ràng. Dù số tiền bạn vay có là bao nhiêu nhưng một khi đã đặt bút ký thì mọi giấy tờ đều liên quan đến pháp luật và có ý nghĩa về luật pháp nếu một trong hai bên vi phạm.
- Nếu giải ngân bằng tiền mặt: Kiểm tra lại xem bạn có được nhận đúng số tiền đã thỏa thuận hay không, tiền có đạt chất lượng lưu hành hay không.
- Nếu giải ngân qua tài khoản: Kiểm tra tài khoản đã nhận được tiền chưa, có được giải ngân đúng số tiền thỏa thuận hay không.
Sau khi đã ký các hợp đồng liên quan đến khoản vay, người vay nên yêu cầu nhận lại một bản các hồ sơ mà mình đã ký (mặc dù thông thường bên vay sẽ gửi lại các hồ sơ liên quan cho khách hàng). Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi cho mình khi có tranh chấp xảy ra.
Thông thường, ngân hàng và các bên cho vay đều có hệ thống nhắc nợ với các phương thức như email, tin nhắn điện thoại, gọi điện thoại trực tiếp. Bạn có thể đăng ký dịch vụ này để đảm bảo không bỏ lỡ bất cứ thông tin nhắc nợ nào của ngân hàng nhằm hạn chế tình trạng đóng trễ hẹn, bị dính phí phạt không đáng có.
Ngoài ra, khi có bất kỳ thay đổi gì liên quan đến thông tin liên lạc, bạn nên chủ động liên hệ với bên cho vay để cập nhật kịp thời. Hạn chế tình trạng mất liên lạc và không nhận được thông tin từ bên vay, dẫn đến thanh toán chậm trễ làm ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng sau này.