Hiện nay, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giời, người trẻ thờ ơ với tiết kiệm, không đầu tư nhưng lại vay tín dụng để tiêu dùng đang là xu hướng. Khác so với các nước, khi đi cùng với việc vay nợ thì ý thức, trách nhiệm trả nợ của họ cũng rất cao, thì ở Việt Nam, điều này ngược lại, tiêu hôm nay, ngày mai bố mẹ trả.
Nguyên nhân đến từ hai xu hướng. Đầu tiên, Việt Nam là một nước đi lên từ nông nghiệp, điều kiện phát triển còn hạn chế, đời sống thu nhập của người dân còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, tiết kiệm là truyền thống của người Việt, nhằm có một khoản dự trữ phục vụ cho những nhu cầu sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe của chính mình cũng như con cái về sau này. Bố mẹ tiết kiệm, để dành, con cái đi làm để giúp đỡ gia đình, làm nhà, mua xe.
Ở giai đoạn này, những người lớn vẫn giữ truyền thống chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm, còn người trẻ đang có xu hướng ngược lại.
Ở xu hướng thứ hai, do sự phát triển của kinh tế xã hội, thu nhập người dân cũng tăng lên, đời sống ổn định, giàu có hơn. Cùng bối cảnh đó, từ tác động của các nền kinh tế thị trường, nền kinh tế tiêu dùng trên thế giới, vay nợ là phổ biến.
Tuy nhiên, ở các nước, giới trẻ tự lập từ rất sớm, việc họ vay tiêu dùng là vì muốn độc lập tài chính với gia đình, không xin tiền bố mẹ mà vẫn có tiền để trang trải các nhu cầu cá nhân. Nhiều trường hợp vay để chi trả cho việc học hành, vay để chi tiêu, trang trải trong cuộc sống, bố mẹ rất ít khi cho tiền.
Chính vì điều này, ý thức trả nợ của họ cũng rất cao, bởi ở các nước bố mẹ không trả nợ thay con cái. Mặt khác, các chính sách an sinh tại các nước cũng tốt hơn, do đó, họ đi vay nhưng cũng đều chắc chắn sẽ trả được nợ khi có việc làm.
Tại Việt Nam, giới trẻ đang chịu sự tác động mạnh mẽ từ xu hướng thị trường tiêu dùng nhưng lại được nuôi dạy trong một môi trường bảo bọc từ gia đình quá nhiều, khiến đứa trẻ thiếu đi ý thức và trách nhiệm với việc mình làm.
Có thể thấy rõ nhất là cách chi tiêu của người trẻ Việt hiện nay. Rất nhiều người trẻ không những không tiết kiệm, không muốn thoát khỏi sự bảo bọc của gia đình mà còn có thói quen tiêu xài hoang phí, vay nợ chồng chất.
Ví dụ, nếu ở các nước, người trẻ vay để chi trả cho việc học hành nhằm hướng tới một công việc tốt hơn trong tương lai, thì tại Việt Nam vẫn có nhiều người vay để mua sắm đồ đạc hàng hiệu đắt tiền, vay để đi du lịch, ăn uống xa hoa, tiệc tùng, phô trương, lãng phí.
Hiện tượng này thấy phổ biến hơn ở hai nhóm giới trẻ, một là nhóm con nhà giàu, do được bố mẹ bảo bọc từ nhỏ, được chu cấp đầy đủ, quen với thói quen tiêu xài hoang phí. Với nhóm này, thông thường không phải đi vay tín dụng để tiêu dùng, nếu có chỉ là tâm lý thích trải nghiệm một xu hướng mới.
Còn với nhóm thứ hai, là nhóm bị cuốn theo thói quen, nếp sống của thành thị. Tuy nhiên, do gia đình không có điều kiện, không có tiền chu cấp trong khi nhu cầu ăn tiêu lại quá lớn khiến nhiều người trẻ phải đi vay tiêu dùng để chi tiêu, mua sắm.
Những hệ lụy nhìn thấy rõ nhất của việc vay để chi tiêu sẽ khiến một số người trẻ bị cuốn vào nợ nần, không có khả năng trả nợ, cuối cùng, người phải gánh nợ thay lại chính là bố mẹ, gia đình.